Thời gian gần đây, từ khóa “Web 3.0” được tìm kiếm rất nhiều trên Internet và cũng là chủ đề nóng bỏng trên các diễn đàn, hội nhóm về đầu tư. Vậy Web 3.0 là gì? Liệu Web 3.0 có thực sự tiềm năng và thay đổi toàn bộ Internet như người ta đồn thổi hay không? Hãy cùng HC4M Club tìm hiểu trong bài viết này.
Web 3.0 là gì?
Web 3.0 (Semantic Web) là thế hệ thứ ba của Internet nhằm tạo ra các trang web (website) và các ứng dụng web thông minh kết nối vạn vật và hòa nhập hơn.
Mục tiêu của Web 3.0 đó là tầm nhìn về một Internet thông minh không máy chủ bao gồm những web phi tập trung kết nối với nhau. Một Internet nơi mà người dùng được quyền kiểm soát dữ liệu, danh tính và số phận của chính họ.
Để hiểu rõ hơn về Web 3.0 là như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Web, Web 1.0 và Web 2.0
Web là gì?
Web (Website) là một tập hợp thông tin có thể được truy cập thông qua Internet. Tập hợp thông tin này chính là những thứ được phát triển và đăng tải lên Web, từ các bài báo, mạng xã hội, trang giải trí,…
Có khá nhiều người thường nhầm lẫn Web với Internet, Internet là hạ tầng, còn Web chính là những thứ được phát triển trên hạ tầng đó. Một ví dụ đơn giản để bạn hiểu:
- Internet giống như một cái hiệu sách.
- Web chính là các bộ sưu tập sách trong hiệu sách đó.
- Tập hợp thông tin chính là những quyển sách trong các bộ sưu tập sách.
Tất cả giúp hình thành nên không gian mạng mà ta đang truy cập ngày nay.
Web 1.0 – Hiển thị thông tin
Ra đời vào năm 1989, Web 1.0 là thế hệ đầu tiên của Web. Một trang web tĩnh được xây dựng hoàn toàn bằng văn bản và các trang web được liên kết với nhau bởi các siêu liên kết và được sử dụng làm cổng thông tin. Chính xác hơn, Web 1.0 là web chỉ để đọc thông tin, người dùng không thể tương tác với nội dung mình đọc được. Việc sáng tạo nội dung để đăng lên web cũng rất bị hạn chế vào thời điểm đó. Ví dụ như các trang báo điện tử, các thông tin của doanh nghiệp, ngân hàng,…
Web 2.0 – Chuyển giao thông tin
Như mình đã nói ở trên, Web 1.0 còn rất nhiều hạn chế thì qua Web 2.0 đã có sự cải thiện vượt bậc, giúp giải quyết các hạn chế ở phiên bản trước đó.
Web 2.0 ở đây chính là các mạng xã hội hiện nay như Facebook, Twitter, Instagam…Nhờ các nền tảng này người dùng dần có thể tương tác, chia sẻ thông tin, dữ liệu với nhau. Hơn nữa, giờ đây họ có thể sáng tạo nội dung và chia sẻ chúng một cách công khai trên nền tảng.
Như chúng ta đã thấy, cả Web 1.0 và 2.0 đều chung một đặc điểm là thông tin sẽ bị kiểm soát bởi phía cung cấp dịch vụ trang web, các thông tin sẽ lưu ở máy chủ, số phận các tài khoản và dữ liệu người dùng đều do nhà cung cấp dịch vụ kiểm soát và sử dụng tuỳ mục đích của họ. Từ đó chúng ta có Web 3.0.
Web 3.0 – Chuyển giao giá trị
Web 3.0 là thế hệ thứ ba của internet, đó là tầm nhìn về một Internet thông minh không máy chủ bao gồm những web phi tập trung kết nối với nhau. Một Internet nơi mà người dùng được quyền kiểm soát dữ liệu, danh tính và số phận của chính họ.
Ưu thế của Web 3.0
- Không có các máy chủ hay một nhà cung cấp nào tập trung kiểm soát dữ liệu hay tài sản của bạn;
- Thông tin của bạn chỉ thuộc về bạn, đạt cấp độ bảo mật cao tránh khỏi các hacker hay các công ty công nghệ sử dụng thông tin;
- Dữ liệu sẽ tồn tại mãi mãi trên Internet;
- Hoạt động liên tục, sẽ không có tình trạng ngắt kết nối do sự cố máy chủ hay bảo trì;
- Web 3.0 giúp Internet thông minh hơn nhờ ứng dụng IoT và AI;
- Và rõ ràng là bạn được quyền truy cập Internet ở bất cứ nơi đâu mà không bị rào cản ngăn chặn từ nhà cung cấp mạng hay chính quyền sở tại.
Tuy vậy, nhưng Web 3.0 vẫn có một số nhược điểm
- Do vấn đề về xác thực blockchain nên sẽ có tốc độ chậm, trong tương lai các nền tảng mới ra đời có thể sẽ khắc phục được các vấn đề này;
- Có quá nhiều dữ liệu thừa gây lãng phí tài nguyên;
- Khó tiếp cận được với người dùng nếu họ không rành về blockchain;
- Khả năng mở rộng kém.
Tokenized Network là gì?
Sẽ thật thiếu sót nếu Web 3.0 không có Tokenized Network. Một mạng lưới phi tập trung luôn cần một loại tiền điện tử phi tập trung để các thành viên trao đổi giá trị, nếu sử dụng một loại tiền điện tử tập trung như Paypal thì sự phi tập trung của mạng là vô nghĩa. Tokenized Network nói một cách dễ hiểu, đó là hệ thống kinh tế phi tập trung dành cho Internet thế hệ mới.
Sự khác biệt chính (và quan trọng) của Tokenized Network so với một mạng lưới thanh toán thông thường là đảm bảo rằng chi tiết giao dịch được bảo vệ trong toàn bộ vòng đời giao dịch tại Blockchain.
Hãy tưởng tượng Web 3.0 không có Tokenized Network sẽ giống như Blockchain không có Bitcoin. Sẽ không ai có động lực chạy các nút để duy trì Blockchain cả.
Mình tạm phân loại một số nhóm token phổ biến trong hệ Web 3.0 hiện nay:
- Nhóm quản lý dữ liệu (DATA MANAGEMENT): Xác thực và quản lý dữ liệu từ bên ngoài tới các mạng lưới blockchain để tiến hành xử lý lưu trữ và lại trích xuất ra bên ngoài.
- Trí tuệ nhân tạo (A.I): Đóng vai trò sử dụng các máy học để giải quyết các vấn đề về kinh tế, dữ liệu, thông tin…
- Internet of Things (IoT): Internet of Things, hay IoT, internet vạn vật là đề cập đến hàng tỷ thiết bị vật lý trên khắp thế giới hiện được kết nối với internet, thu thập và chia sẻ dữ liệu. Nhờ bộ xử lý giá rẻ và mạng không dây, có thể biến mọi thứ, từ viên thuốc sang máy bay, thành một phần của IoT. Đây là một phần không thể thiếu để đưa lý tưởng phi tập trung của Web 3.0 trở thành sự thật.
- Metaverse (Vũ trụ ảo): phần quan trọng của Web 3.0, đặc biệt là các nhóm liên quan tới cả công nghệ VR.
- Mạng xã hội (Social Media): Nếu các mạng xã hội Web 2.0 hiện nay cung cấp hoàn toàn miễn phí sử dụng cho người dùng nhưng đồng thời kìm kẹp họ trong khuôn khổ của các công ty điều hành và thao túng thông tin cá nhân riêng tư của người dùng nhằm mục đích kinh doanh. Thì đến với các mạng xã hội Web 3.0 người dùng sẽ có nhiều quyền lợi và quyền riêng tư hơn.
- Thanh toán (Payment): Hiển nhiên rồi, khi dùng dịch vụ ở thời đại nào cũng vậy, cũng cần phương tiện thanh toán.
Trên đây là một số phân loại dự án thuộc Web 3.0 mà mình tìm hiểu được, ngoài ra còn rất nhiều các nhóm phân loại khác. Nếu bạn còn biết các nhóm nào thì hãy chia sẻ trong nhóm cho mọi người cùng biết nhé!
LỜI KẾT
Vẫn chưa rõ sẽ mất bao lâu để Web 3.0 đi vào cuộc sống hằng ngày. Nhưng có một điều chắc chắn, Web 3.0 sẽ thay đổi Internet mãi mãi. Chúng ta có quyền mơ về một Internet nơi mà mọi người đều có quyền sở hữu dữ liệu của chính mình, nơi mà danh tính của chúng ta chỉ được tiết lộ khi nào chúng ta mong muốn, nơi mà những tập đoàn khổng lồ như Facebook và Google buộc phải trả tiền cho dữ liệu của chúng ta.
Chúc bạn một ngày tốt lành!
– Nguồn: Tổng hợp Internet