Uỷ ban Giao dịch Hàng hoá Tương lai Hoa Kỳ (CFTC) hôm thứ Sáu (02/12/2017) vừa qua, đã xác nhận rằng CME Group và CBOE đã đáp ứng đủ các điều kiện để được phép giao dịch hợp đồng tương lai Bitcoin, trong khi sàn giao dịch Cantor cũng sẽ sớm được cấp phép ra mắt quyền chọn nhị phân (Binary Options) Bitcoin.
Hợp đồng tương lai cho phép nhà đầu cơ dự đoán giá trị của một loại tài sản mà họ thực chất không sở hữu nó. Nhà đầu cơ kiếm lời bằng cách mua hoặc bán hợp đồng dựa trên mong đợi giá của loại tài sản ấy sẽ lên hoặc xuống theo một hướng nhất định.
Hợp đồng tương lai Bitcoin của CME Group
Hợp đồng tương lai Bitcoin của CME Group dự kiến bắt đầu hoạt động vào ngày 18/12/2017 tới và một hợp đồng có giá trị là 5 BTC.
Nếu nhà đầu cơ bán hợp đồng của mình, họ được gọi là “đầu cơ đoản vị” (short speculator), còn nếu mua thì gọi là “đầu cơ trường vị” (long speculator). Để hiểu chi tiết hơn về cách thức hoạt động của hợp đồng tương lai, chúng ta hãy cùng xem qua ví dụ sau :
Giả sử, Bob muốn mua một hợp đồng với giá là 50.000 USD (5 BTC). Trước khi có thể sở hữu hợp đồng này thì Bob sẽ cần phải ký quỹ biên khởi đầu (initial margin). Biên khởi đầu này còn được biết đến với tên gọi ký quỹ “thiện ý” (good-faith). Cũng giống như tiền đặt cọc, ký quỹ thiện ý được nhà đầu cơ gửi trước vào tài khoản để chứng minh rằng họ có ý định mua bán đến cùng. Biên khởi đầu được tính bằng số phần trăm của tổng giá trị hợp đồng, thường là từ 5% đến 10%. Nếu biên khởi đầu của Bob là 10%, anh ta sẽ được quyền sở hữu hợp đồng nếu tiến hành kỹ quý 5.000 USD vào tài khoản giao dịch.
Bây giờ, ta tiếp tục giả sử rằng Bob gửi 5.000 USD để mua hợp đồng và là nhà đầu cơ trường vị, nghĩa là anh ta tin hoặc hy vọng rằng giá Bitcoin sẽ tăng cao hơn mức anh sẽ phải trả cho hợp đồng của mình, tức cao hơn 10.000 USD/BTC.
CME Group cũng đã đặt ra tick – biến động giá nhỏ nhất, được ghi nhận bởi hệ thống giao dịch cho hợp đồng tương lai Bitcoin là 5 USD. Theo đó, nếu giá Bitcoin tăng 4 USD thì hợp đồng của Bob không lời mà cũng không lỗ vì mức 4 USD nhỏ hơn tick. Tuy nhiên, mỗi lần giá Bitcoin giao động 5 USD thì Bob sẽ lời hoặc lỗ 25 USD (vì mỗi hợp đồng có giá 5 BTC).
Chẳng hạn, một ngày sau khi Bob mua hợp đồng tương lai, giá Bitcoin tăng 100 USD. Vì Bob chỉ sở hữu 1 hợp đồng, tick là 5 USD, suy ra sẽ có 20 tick, mỗi tick Bod kiếm được 25 USD, do đó tổng lợi nhuận của Bob là 20 x 25 = 500 USD.
Ngược lại, nếu giá Bitcoin trong phiên giao dịch ngày hôm ấy giảm 100 USD, Bob sẽ lỗ 500 USD, số tiền này trừ thẳng vào phần ký quỹ mà anh đã gửi vào tài khoản trước đó.
Đòn bẩy tài chính và những rủi ro
Lưu ý là Bob chỉ phải trả 5.000 USD để sở hữu một hợp đồng tương lai Bitcoin trị giá đến 50.000 USD. Khoản 40.000 USD anh không phải trả chính là tiền đi mượn, nói cách khác hợp đồng tương lai Bitcoin của Bob là “đòn bẩy tài chính” (leverage). Vì các hợp đồng tương lai rất hay sử dụng đòn bẩy cho nên đầu tư vào loại hình này thường được xem là một lựa chọn rủi ro cao.
Giả sử sau một tháng, chỉ số giá Bitcoin tăng 5%, hay 500 đơn vị. Vậy là sau một tháng, lợi nhuận Bob kiếm được là 2.500 USD, tương đương 50% so với số tiền 5.000 USD anh bỏ ra ban đầu. Trái lại, nếu giá giảm 5% sau một tháng giao dịch, Bob sẽ mất 2.500 USD, và tài khoản ký quỹ sẽ mất đi một nửa.
Số lượng hợp đồng tương lai nhà đầu cơ càng nhiều thì rủi ro đi kèm càng lớn. Nếu giá Bitcoin giảm quá mạnh, có khả năng là lượng tiền lỗ của Bob sẽ cao hơn cả mức ký quỹ biên ban đầu.
Vẫn lấy biên khởi đầu của Bob là 5.000 USD nhưng giả sử giá Bitcoin giảm đến 1.100 USD thì tài khoản của Bob sẽ bị hệ thống trừ đi 5.500 USD vào cuối phiên giao dịch. Tuy nhiên, ban đầu Bob chỉ ký quỹ có 5.000 USD, cho nên giờ anh sẽ trực tiếp nợ CME Group 500 USD và anh phải móc tiền túi ra trả con số 500 USD để số dư tài khoản trở về 0.
Nếu Bob chịu một hoặc một chuỗi các đợt lỗ khiến số dư tài khoản rớt xuống thấp hơn biên ký quỹ duy trì (maintenant margin) – mức thấp nhất mà bên môi giới cho phép tài khoản của Bob sụt giảm trước khi buộc anh phải nạp thêm tiền vào – thì Bob sẽ nhận được một yêu cầu bảo chứng (margin call) từ nhà môi giới, đề nghị anh phải gửi một lượng tiền cần thiết để khôi phục về trang thái ban đầu.
Để giảm thiểu phần nào những rủi ro do đặc tính biến động giá của Bitcoin, CME Group đã đặt ra một mức giới hạn cho hợp đồng tương lai Bitcoin. Cụ thể, hợp đồng tương lai Bitcoin sẽ hoạt động với mức dao động giá Bitcoin giới hạn lần lượt là 7%, 13% và 20%. Khi giá trị của hợp đồng biến đổi +/- 7% so với mức giá lúc mua bán hợp đồng– giá Bitcoin tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày hôm trước – một quãng thời gian giám sát 2 phút sẽ bắt đầu được tính mà cùng lúc này, hợp đồng vẫn được cho giao dịch bình thường, nhưng chỉ nằm trong hạn mức +/- 7% mà thôi.
Nếu hết hai phút trên mà giá vẫn còn nằm ngoài cận dưới hay cận trên thì hệ thống sẽ cho tạm ngừng hoạt động giao dịch trong hai phút nữa. Trong khoảng thời gian này, nhà đầu cơ có thể đặt lệnh mới. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể được thực hiện sau khi quãng ngắt hai phút chấm dứt. Tiếp đó, giới hạn giá sẽ nới rộng ra thành +/-13% mà không có tạm dừng giao dịch và được chốt cứng tại mức 20% và cũng không có thêm quãng nghỉ. Điều này có nghĩa là nếu giá biến động đến 20% thì nhà đầu cơ đành phải chấp nhận giao dịch trong khoản +/-20% đến suốt cả ngày hôm ấy, cho đến khi phiên giao dịch trong ngày kết thúc.
Cả thế giới dõi theo hợp đồng tương lai Bitcoin của CME Group
Quyết định phát hành hợp đồng tương lai Bitcoin của CME Group đang khiến nhiều ông lớn trong lĩnh vực ngân hàng để mắt đến Bitcoin. CBOE dự định sẽ mở thị trường Bitcoin tương lai trong tháng này, còn Nasdaq thì tiết lộ sẽ ra mắt thị trường của riêng mình vào nửa đầu năm 2018. Dự đoán là những ngày đầu triển khai hợp đồng tương lai Bitcoin của CME Group sẽ nhận được rất nhiều chú ý của các tổ chức đầu tư, vì ai cũng tò mò muốn biết liệu nó có mang lại hiệu quả tích cực như mong đợi hay không.
Tham khảo : Cointelegraph & Tiendientu